Cốt tủy của Kinh Dịch

23 January 2019


Tại website  www.nhantu.net , bác sĩ Nguyễn Văn Thọ đã lưu lại một kho sách vô giá, trình bầy và luận bàn về nhiều triết lý nhân gian phát xuất từ Đông phương lẫn Tây phương  . Mấy hôm gần đây khi tiếp tục tham khảo tại nơi này thì may thay  đã tìm  ra thêm được một bài viết về "Cốt tủy của Kinh Dịch" , nằm trong cái e-book tựa TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO , dưới đề mục   "Sách đã xuất bản" :




trích đoạn :

....Trương Kỳ Quân, một học giả Trung Hoa hiện đại, tác giả bộ Trung Hoa ngũ thiên niên sử, đã viết:

“Dịch là một sách học cả về Trời lẫn Người, khảo về nguồn gốc sự sáng tạo vũ trụ, để rõ lẽ kiết hung, tiêu trưởng, tiến thoái, tồn vong. Nó là sách căn bản dạy Tu, Tề, Trị, Bình, nhớn như là kinh luân quốc gia, nhỏ như là Tu thân xử thế. Nếu thâm đạt tinh hoa Dịch, mà đem áp dụng thì tất cả đều ở trong kinh đó.”


Sách Dịch là sách rộng rãi, bao quát, nhưng nói đại ý, nó chỉ cốt dạy:  Trời, người hợp nhất.” (THIÊN NHÂN HỢP NHẤT)

....

Dịch đã cho thấy là giữa lòng mọi biến thiên đều đã ẩn tàng sẵn Thái Cực. Nếu vậy, thì giữa lòng mọi biến thiên của hình hài, tâm tư, trí não chúng ta, phải có Thái Cực. Biết rằng trong ta có Thái Cực, có căn cốt Trời, chúng ta sẽ có cơ tinh tiến vô biên vô tận.



Trong chương 9 của quyển sách này , bác sĩ Nguyễn Văn Thọ đã đưa ra một chìa khóa có thể giúp mở cửa nhập vào kho tàng vô giá của Dịch Kinh . Chìa khóa này gồm có 3 khái niệm mấu chốt :


1) Tâm Điểm

2) Vòng tròn

3) Hai chiều biến đổi



Cổ nhân đã tận dụng nhiều phương cách như từ ngữ, hình tượng và các con số để diễn đạt mọi ý tưởng về đạo lý của Dịch .





Tâm Điểm
Số 5 và 10 ở Trung Cung , tượng trưng cho Thái Cực . Đây là "Bản Thể", là gốc rễ của Trời Đất, vừa là căn nguyên và vừa là cùng đích của Vạn Hữu (mọi vật) . Số 5 là Thượng Đế lúc khởi nguyên . Số 10 là Thượng Đế khi chung cuộc .

Vòng tròn
Các con số ở vòng ngoài (1,2,3,4 và 6,7,8,9) bao quanh tâm điểm (5,10) vốn là tượng trưng cho Vạn Hữu . (1,2,3,4 ) là Tứ Tượng, vốn do Thái Cực phân tán mà ra ( 5 = 2+3 ; và 5 = 1+4 ) . Còn ( 6,7,8,9) thì cũng là các Biến Hóa thêm dựa trên Thái Cực ( 1+5 = 6 ; 2+5 = 7 ; 3+5 = 8; 4+5 = 9 ) .

Hai chiều biến đổi
Dịch có nghĩa là luân lưu biến chuyển , đổi dời . Mọi sự thay đổi trên thế gian có thể diễn tiến theo một trong hai chiều :

* Thứ nhất là chiều Thuận, từ Vô Hình tới Hữu Hình, từ ý tưởng ra hiện tượng, từ trong ra ngoài, là chiều phân tán từ Thái Cực ra Âm Dương, rồi ra Tứ Tượng, kế tới là ra Bát Quái . Đây là chiều sinh Nhân, sinh Vật .

* Thứ hai là chiều Nghịch, từ Hữu Hình trở về Vô Hình, từ ngoài hướng vô trong, chiều của Vạn Hữu quy tụ vào Thái Cực . Đây là chiều sinh Thánh, sinh Thần .






Theo như bác sĩ Nguyễn Văn Thọ nghĩ , thì Thuyết Quái Truyện của Kinh Dịch có ý đề cao chiều Nghịch hơn là chiều Thuận :

...

Số vãng giả thuận. Tri lai giả nghịch. Thị cố Dịch nghịch số dã.
(đại khái nói rằng: Biết dĩ vãng là thuận, biết tương lai là nghịch.)

Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ cho rằng:

Từ Thái Cực đi ra Vạn Tượng hữu hình là chiều thuận của Dịch. Từ hữu hình trở về Thái Cực là chiều nghịch của Dịch.

Trong dĩ vãng, con người đã đi chiều thuận, trong tương lai sẽ đi chiều nghịch.

Biết đi ngược dòng đời để trở về với Thái Cực, tức là đi trên con đường của Thần Thánh xưa nay vậy.




@

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thật nuốt, ruột đau