Vô niệm, Vô tướng, Vô trụ

~ @ ~

Không để tâm trí chạy theo ý niệm là một điều cốt yếu có thể khiến cho sự câu nối với "Ông Chủ" thêm phần dễ dàng .  Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục tổ của Thiền tông có truyền lại những lời diễn giảng giúp cho thiền sinh về điểm này .

Pháp tu của Lục tổ Huệ Năng gồm có ba điều then chốt như sau:

“Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm gốc.”


Trích từ Pháp Bảo Đàn Kinh:



“vô niệm là đối với niệm mà không niệm”,

“Này Thiện tri thức, vô là vô việc gì? niệm là niệm vật nào? Vô đó là không có hai tướng, không có các tâm trần lao; niệm là niệm Chân như Bản tánh. Chân như tức là thể của niệm, niệm tức là dụng của Chân như."

"Sao gọi là vô niệm? Nếu thấy tất cả pháp mà tâm không nhiễm trước, ấy là vô niệm, dụng tức khắp tất cả chỗ, cũng không dính mắc tất cả chỗ, chỉ thanh tịnh nơi bản tâm khiến sáu thức ra sáu cửa đối trong sáu trần không nhiễm không tạp, đi lại tự do, thông dụng không kẹt, tức là Bát-nhã tam-muội, tự tại giải thoát gọi là vô niệm hạnh.”



Xem ra "Vô niệm" không thể được hiểu theo một cách đơn giản là " ngăn xoá hết mọi ý nghĩ", mà đúng hơn chính là "không để bị lây nhiễm trói kẹt trong các ý nghĩ xuất hiện nơi đầu óc" . Biết chúng xuất hiện, nhưng chẳng lưu tâm , không bám chạy theo chúng, cứ để chúng lướt qua và để mặc chúng tự tan biến như các đám mây trôi dạt trên trời .

Vấn đề "Vô niệm" có thể được thấy rõ hơn nữa, qua cái mẩu chuyện của nhà sư Huệ Minh truy đuổi theo Lục tổ Huệ Năng với ý định là dành đoạt lại y bát mà Lục tổ đã được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền cho. Tổ Huệ Năng đã nói với Huệ Minh khi người này đã bắt kịp ngài : "Ông đã vì pháp mà đến thì nên dứt sạch các duyên, chớ sanh một niệm, tôi sẽ vì ông nói...", và rồi tiếp theo rằng: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” . Đây ắt hẳn là một thí dụ điển hình của "Vô niệm". Lục tổ đã nhắc cho Huệ Minh rằng - nếu gạt bỏ được các ý niệm về thiện và ác trong tâm thì tất sẽ biết được Phật tánh . Suy diễn thêm, có thể thấy rằng "Vô niệm" ám chỉ sự loại trừ hết cả mọi ý nghĩ đối đãi nhau như là: có/không, xấu/tốt , hơn/thua, yêu/ghét, sanh/diệt, oán/thương, vui/buồn …v..v.. , chứ không riêng gì "thiện/ác" .

Mọi vật thể và hình tướng bên ngoài thì biến chuyển không ngừng, nay còn mai mất, trong khi sự thấy sự nhận biết của ta thì vẫn luôn có đó . Nếu ta vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn biết mà chẳng hề để tâm phân biệt tốt xấu hay dở, không  nảy  thêm một lớp vọng tưởng suy diễn chi hết, thì như vậy  hẳn là vô niệm .



Lục Tổ Huệ Năng còn chỉ rõ thêm về pháp tu Vô niệm bằng cách nêu ra hai điều nữa: "Vô tướng" và "Vô trụ" .


Tổ nói:

“Đối trên các pháp mỗi niệm không trụ, tức là không phược (không bị trói buộc), đây là lấy vô trụ làm gốc”.

“chấp tất cả tướng tức tâm, lìa tất cả tướng tức Phật”

“ngoài lìa tất cả tướng gọi là vô tướng, hay lìa nơi tướng tức là pháp thể thanh tịnh, đây là lấy vô tướng làm thể” .




Kinh Kim Cang từng giảng giải rằng tất cả những thứ gì có tướng ( có hình thể) đều là hư vọng .


Xét ra khi mà lòng vẫn còn chấp trước , còn câu nệ và  bám chặt vào các hình thể (tướng) của mọi vật mọi sự , thì sẽ không thể nào thấu triệt được "vô niệm" , không thể lãnh ngộ được chân tánh .




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thật nuốt, ruột đau