Tìm ngôi "Cửu Ngũ"

23 November 2018


Buổi sáng thức dậy, trong lúc còn ngái ngủ vô phòng tắm, tay thì vốc nước rửa mặt nhưng trong đầu lại tự dưng không biết từ đâu nghe văng vẳng câu nói "tìm ngôi cửu ngũ" .."tìm ngôi cửu ngũ" .., lập đi lập lại hai ba lần ...


Thoạt tiên cũng chẳng rõ "Cửu Ngũ" là gì . Một chập sau mới chợt nhớ mài mại rằng trong các sách từng đọc thời trước vốn có nói về các vị vương tướng thường tranh dành nhau để mà "lên ngôi cửu ngũ", nghĩa là để đoạt địa vị cao quý nhất trong xã hội, lên ngai vàng, làm hoàng đế .v..v.. !


Từ trước tới giờ chưa hề biết tại sao mà từ "cửu ngũ" lại được dùng để diễn đạt cái địa vị vua chúa . Trong lòng lại càng không khỏi bâng khuâng, chẳng rõ vì cớ nào mà trong tâm trí mình lại lởn vởn có cái ý tưởng liên quan tới "ngôi cửu ngũ" ? Chẳng lẽ nằm sâu trong tiềm thức mình lại có cái vọng tưởng làm vua thiên hạ ? Thời buổi này mà còn mơ nghĩ tới điều đó thì thật tình quá vô lý hão huyền .


Suy nghĩ thêm chút nữa thì nhớ lại rằng mấy hôm rồi đang có ra công tìm hiểu nghiên cứu về đề tài "âm dương - ngũ hành" . Trong Dịch học thì chữ "cửu" vốn được dùng để chỉ định các hào dương (vạch liền) trong quẻ , chẳng hạn như sơ-cửu là hào 1, cửu nhị là hào 2, cửu tam là hào 3 ..v..v. . Trong Hà Đồ thì số 5 (ngũ) đóng vai trò then chốt và quan trọng nhất, với vị trí chính giữa mọi số khác . Số 5 lại cũng là một con số dương, cho nên từ "cửu ngũ" rất có thể là tượng trưng cho con số 5 trong Hà Đồ, năm đốm trắng tại Trung Cung . Đây mới là cái điểm chính yếu nhất, gói trọn các huyền cơ của tạo vật, và mới thật đáng là cái mà mình nên theo đuổi và tìm tới .



Hà Đồ





Trong sách DỊCH KINH YẾU CHỈ , Bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ cũng đã viết như sau:

...

( Chương : Lời nói đầu)


....

8). Tôi đã tìm ra được Dịch biến thiên và xoay quanh 1 Tâm điểm. Tâm điểm ấy chính là Thái Cực, và được tượng trưng bằng con số như 5, 10, 15. Ở nơi con người thì Tâm điểm ấy là Thiên Tâm, Chân Tâm, Cốc Thần, Thái Cực, Lương tâm con người, ở ngay giữa đầu não con người, nơi mà ta gọi là Nê Hoàn Cung, Huyền Quan Nhất Khiếu hay Huyền Tẫn Chi Môn.

Tâm điểm thời bất biến, Vạn Tượng bên ngoài thời biến thiên. Con người phải tiến từ Vạn Tượng về với Thái Cực. Khi vào tới Thái Cực thì Nho Gia gọi là đạt đạo Trung Dung, Phật gia gọi là đạt tới Kim Cương, Viên Giác, Lão gia gọi là đã luyện xong Kim Đơn. Á Châu còn gọi chung là Qui Nguyên, Phản Bản. ...





(Chương 1 . DỊCH HỌC NHẬP MÔN )

... Nhìn vào các đồ bản Dịch ta sẽ lĩnh hội được sự kiện vô cùng quan trọng này là Tạo Hóa hay Thái Cực ẩn áo ngay trong lòng sâu Vạn Hữu. Tạo Hóa và Vạn Hữu hợp lại thành một đại thể, y như một cây vĩ đại có muôn cành lá, hoa quả xum xuê.
Thái Cực, Tạo Hóa là căn cốt; Vạn Hữu là những hiện tượng biến thiên chuyển dịch bên ngoài.

Suy ra: nếu ta biết vượt qua những lớp lang, biến ảo của hoàn cảnh, xác thân và tâm hồn, ta sẽ tìm về được với Tạo Hóa, với Thái Cực ẩn áo nơi đáy lòng ta.

Thế tức là: từ ngọn suy ra gốc, từ biến thiên suy ra hằng cửu, từ các tầng lớp biến thiên bên ngoài suy ra tâm điểm bất biến bên trong. Như vậy học Dịch là để biết các lớp lang biến hóa, chuyển dịch của vũ trụ và của lòng mình; nhân đó, sẽ suy ra được chiều hướng tiến thoái và trở về được cùng bản thể duy nhất, tiềm ẩn nơi đáy lòng mình. Xưa nay đã có biết bao người nhờ học Dịch mà trở về được với căn nguyên của mình, với Trời, với Thái Cực.

@

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thật nuốt, ruột đau