Vào trong nhận Chủ

~ @ ~

Theo đuổi và tìm hiểu về Dịch Kinh trong nhiều năm, tôi đã bắt đầu từ sự lần mò học hỏi ở cành cây ngọn lá (nghiên cứu quẻ Dịch), để rồi dần dần có duyên được chỉ dẫn đi sâu vào nguồn rễ của sự tình (khảo xét Hà Đồ và Lạc Thư ...). Nói như vậy tức là nhìn theo quan điểm của bác sĩ Nguyễn văn Thọ : Khi ta chỉ chú tâm vào các hình thức của quẻ Dịch , vào chi tiết của các hào, vào lời giải của tuợng quẻ, thì sẽ chỉ biết về ngọn của Dịch . Muốn cho thông suốt trọn vẹn thì còn cần truy xét thêm về cái căn bản gốc gác của Dịch , vốn nằm trong Hà Đồ và Lạc Thư .


(Trích từ sách "Dịch Kinh Đại Toàn" , tại web site nhantu.net)

... Nhìn vào các đồ bản Dịch ta sẽ lĩnh hội được sự kiện vô cùng quan trọng này là Tạo Hóa hay Thái Cực ẩn áo ngay trong lòng sâu Vạn Hữu. Tạo Hóa và Vạn Hữu hợp lại thành một đại thể, y như một cây vĩ đại có muôn cành lá, hoa quả xum xuê.

Thái Cực, Tạo Hóa là căn cốt; Vạn Hữu là những hiện tượng biến thiên chuyển dịch bên ngoài.

Suy ra: nếu ta biết vượt qua những lớp lang, biến ảo của hoàn cảnh, xác thân và tâm hồn, ta sẽ tìm về được với Tạo Hóa, với Thái Cực ẩn áo nơi đáy lòng ta.
Thế tức là: từ ngọn suy ra gốc, từ biến thiên suy ra hằng cửu, từ các tầng lớp biến thiên bên ngoài suy ra tâm điểm bất biến bên trong. Như vậy học Dịch là để biết các lớp lang biến hóa, chuyển dịch của vũ trụ và của lòng mình; nhân đó, sẽ suy ra được chiều hướng tiến thoái và trở về được cùng bản thể duy nhất, tiềm ẩn nơi đáy lòng mình. Xưa nay đã có biết bao người nhờ học Dịch mà trở về được với căn nguyên của mình, với Trời, với Thái Cực.
...

Dịch đã cho thấy là giữa lòng mọi biến thiên đều đã ẩn tàng sẵn Thái Cực. Nếu vậy, thì giữa lòng mọi biến thiên của hình hài, tâm tư, trí não chúng ta, phải có Thái Cực.








Như vậy thì cái "bản thể duy nhất" của con người là gì ? Làm sao để nhận biết được nó ?
Đây là những thắc mắc chưa có được lời giải thoả đáng từ bao lâu nay .




Cách đây vài hôm thì cơ duyên dun dủi đã mang tới thêm chút ít manh mối . Sự tình là như sau:


Khoảng hai năm trước, trong lúc dọn dẹp mấy chồng sách vở báo chí cũ chất chứa trong nhà kho, tôi đã xém vứt vô thùng recycle một quyển sách tựa đề "Vào Cổng Nhà Thiền" do tu viện Trúc Lâm xuất bản . Đây là một cuốn sách biếu , chẳng biết đã từ đâu mà lại lọt vô nhà . Tôi chưa từng thấy nó bao giờ nên đã đặt nó qua một bên để lúc khác xem lại . Mà rồi cũng quên bẵng nó đi, cho tới vài tháng sau, tình cờ có đứa em vợ tới hỏi thăm mượn sách đọc về Thiền . Tôi tuy có một số sách về đề tài này , nhưng toàn là sách Anh ngữ, không thích hợp cho nó . Chợt nhớ lại cuốn "Vào Cổng Nhà Thiền" trong kho, tôi mới đem nó ra và ngồi xem lướt qua trước khi đưa cho đứa em . Lúc đó mới nhận ra là sách hay quá , chỉ dẫn cho tôi khá nhiều điều mà chính bản thân mình cũng chưa biết chưa hiểu .


Sau khi trao sách cho người em, tôi mới ra công tìm tòi thêm trên mạng internet . Ngoài cái đề tài "Vào Cổng Nhà Thiền", Hoà Thượng Thích Thanh Từ đã còn có thuyết pháp tiếp với các bài giảng "Vào Cửa Không" và "Chỉ Ông Chủ" .

Để cho thuận tiện việc theo dõi và tìm hiểu, các điểm chính yếu của ba bài giảng này đã được ghi chú tại đây :

Nói chung thì các bài giảng này, nhất là bài "Chỉ Ông Chủ", đã mớm cho biết cái bản thể chân thật , bất sinh bất diệt , của con người là gì . Nhưng muốn thực hành để tự nhận rõ và thấu hiểu được nó thì quả tình là vẫn còn rất khó . Cũng bởi rằng nếu phải dùng trí tuệ để mà loại bỏ hết mọi ý nghĩ, mọi vọng tưởng, thì còn có gì sót lại để mà "thấm" hay "nắm" được lấy ? Cái "Cửa Không" của nhà thiền quả là chẳng dễ gì đặt chân vào, nguyên do: - nó làm gì có khuôn khổ, hình tượng hay ở vị trí nào đâu để mà nhắm tới . Thêm nữa, cho dù đã được chỉ dẫn rằng ta phải hướng vô trong thì mới có thể tìm gặp "Ông chủ" (bản thể chân thật) của mình , nhưng xét lại "Ông chủ" này vốn không hình tướng, không cách nào mà diễn tả hay mường tượng cho ra . Tóm lại cũng không dễ gì mà nhận biết cái đó cho rõ ràng được .




Mấy hôm gần đây khi khảo cứu tiếp trên mạng về vấn đề này, thì đã tìm ra thêm một bài giảng nữa của Hoà Thượng Thích Thanh Từ: "Khám Phá Được Ông Chủ" .




Trong lần thuyết giảng này, Hoà Thượng đã kể lại một nỗi băn khoăn của mình suốt nhiều năm tháng : "Nếu tu thiền cần có trí tuệ Bát Nhã (cao siêu tuyệt vời) để mà nhận biết và gạt bỏ hết mọi vọng tưởng, thì liệu có mấy ai mà đi theo được" . Để giải quyết vấn đề này Hoà Thượng đã đưa ra một phương cách mà tự thầy đã trải nghiệm qua, đã nhận biết trong khi hành thiền:
....

Cách đây mười hai hôm, 7 giờ tối ngày 13 tháng 08 năm Giáp Thân, tôi ngồi thiền tới khoảng 8 giờ. Được yên định khoảng thời gian không biết bao lâu, tôi tự phản chiếu lại cái định của mình sao không được rõ ràng thường biết như định nghĩa Chân tâm. Vì vậy tôi hơi ngờ, không chấp nhận được. Bởi không chấp nhận nên tôi dừng lại, tỉnh táo đặt câu hỏi: “Nếu là Chân tâm của mình, đòi hỏi phải thường xuyên rõ ràng. Bây giờ mình yên định mà hơi mờ mờ không biết rõ ràng. Đó không phải là Chân tâm.”

Khi ấy tôi ngồi lại bình thường, đặt từng câu hỏi để khám phá ra Chân tâm là gì, ở đâu? Bấy giờ tôi nhớ trong kinh, Phật nói Chân tâm ở ngay sáu căn, nơi sáu căn đầy đủ Chân tâm. Tôi ngạc nhiên tự hỏi: “Nơi sáu căn, làm sao mình biết được Chân tâm?” Ngồi một hồi tôi tỉnh, nhớ lại trong Duy thức học nói, niệm đầu là chân, niệm thứ hai thứ ba là vọng. Tôi nghĩ khi mắt mở ra nhìn thấy cái này, cái nọ, phân biệt tốt xấu là rơi vào niệm thứ hai. Nó đi một mạch chớ không dừng. Nếu nói Chân tâm là niệm đầu nơi sáu căn, làm sao mình giữ được niệm đầu? Vừa thấy liền chạy qua niệm thứ hai, thứ ba mất. Tôi nghĩ muốn nhận ra Chân tâm thì phải biết rõ Chân tâm.

Trong nhà Phật thường nói Chân tâm là cái thường biết rõ ràng, tỉnh táo sáng suốt chớ không mờ mờ. Như vậy khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần mình biết rõ ràng, làm sao dừng ở chặng đầu, đó là điều quan trọng. Ngồi gẫm thật kỹ, tôi thấy bây giờ mình nên đặt thành phương tiện. Vừa nhìn chưa cần thấy cái gì, tự nhủ mắt biết thấy là Chân tâm. Biết là tâm. Thấy được cảnh, ngay niệm đầu đừng có niệm thứ hai thứ ba. Thấy biết là Chân tâm, còn thêm cái gì nữa thì quá Chân tâm rồi.

Ngay nơi sáu căn, mắt thấy - biết - dừng. Tai nghe - biết - dừng. Thân xúc chạm - biết - dừng, không cho đi qua niệm thứ hai thứ ba. Tôi sử dụng như thế thấy có hiệu nghiệm. Khi thấy nói Chân tâm, nó dừng lại. Khi nghe nói Chân tâm, nó dừng lại. Vừa khởi phân biệt nói Chân tâm, nó dừng lại. Nếu để nó đi thì nó đi luôn một mạch, chớ không dừng. Muốn nó dừng phải chận lại, bằng cách đem Ông chủ ra chận. Vừa thấy là Chân tâm, vừa nghe là Chân tâm, sáu căn vừa tiếp xúc với sáu trần, vừa ở niệm đầu là Chân tâm. Mới thấy Chân tâm ở sẵn nơi mình, tại vì chúng ta cứ cho qua hoài nên không thấy. Bây giờ ngay nơi niệm đầu nhận là Chân tâm thì các niệm khác không xen vào. Tôi ứng dụng tu phương pháp này thấy có hiệu nghiệm.

Trong sáu căn, nổi nhất là mắt, kế đến tai, kế nữa là thân. Đó là ba căn nổi, luôn tiếp xúc với bên ngoài. Còn mũi, lưỡi, ý thì chìm, khi có khi không. Vì vậy tôi lấy ba căn nổi làm chỗ tựa. Mắt biết thấy là Chân tâm. Tai biết nghe là Chân tâm. Thân biết xúc chạm là Chân tâm. Biết thấy, biết nghe, biết xúc chạm đều là Chân tâm hiện tiền, không có niệm nào nữa.
......

Chân tâm là "Ông chủ" , thường biết rõ ràng, trùm khắp sáu căn, không tướng mạo, không sanh diệt. Bởi không tướng mạo nên nó đồng với hư không, (tức Pháp thân). Không sanh diệt nên giải thoát sanh tử. Đi tới đó mới ra khỏi dòng sanh tử. Chân tâm có đủ trong tất cả chúng ta, không hề thiếu. Có Ông chủ là có đủ khả năng đi tới giải thoát, không tìm kiếm ở đâu khác.
....

Biết thấy là Chân tâm, biết nghe là Chân tâm, biết xúc chạm là Chân tâm. Ngang đó nghĩ là Chân tâm thì các niệm khác sẽ không có. Cho nên tu bằng cách này gọi là đánh phủ đầu. Đem "Ông chủ" ra dọa, đánh cho các niệm thứ hai thứ ba chạy mất. Vừa thấy biết là thấy, nếu không biết làm sao thấy? Biết tức là thấy, thấy đó là Chân tâm, có ai chen vô được? Đằng này mình biết liền hay hỏi “cái gì”, nên cứ bị nó dẫn đi một mạch.
...


Vậy là "Ông Chủ" bao trùm hết sáu căn . Cuộc sống của mình đang hiện ra và diễn tiến trên cái "màn ảnh" của ổng ?


Mình vì bị mê cuốn theo tuồng mà quên bẵng đi rằng :- "ai" khiến cho mình coi ?


Cửa Không nay đã hé mở thêm được một chút !

😌


Nói về ứng dụng thực hành, tu thiền theo pháp phương tiện của Hoà Thượng Thích Thanh Từ có thể tóm lại là gồm có hai chặng:


(trích từ bài thuyết giảng "Khám Phá Được Ông Chủ" )


Chặng thứ nhất: (tự nhắc về sự có mặt của Ông Chủ)

Mắt thấy là Chân tâm, tai nghe là Chân tâm, thân xúc chạm là Chân tâm. Tức mắt biết thấy, tai biết nghe, thân biết xúc chạm, đó là Chân tâm. Cứ thế lặp tới lặp lui: "Mắt biết thấy, tai biết nghe, thân biết xúc chạm đều là Chân tâm". Nói nguyên câu là “Mắt biết thấy là Chân tâm, tai biết nghe là Chân tâm, thân biết xúc chạm là Chân tâm, Chân tâm luôn hiện tiền”. Lặp đi lặp lại như thế, ngồi thiền không buồn ngủ chút nào, vì nhớ Chân tâm nên không buồn ngủ, tỉnh táo hoàn toàn.
....

Khi nói như vậy một hồi thấy nhọc, tôi cho nó nghỉ một chút bằng cách nhớ Chân tâm hiện tiền. Nhớ Chân tâm hiện tiền đến lúc khỏe, tiếp tục nhắc tới nhắc lui lại. Suốt giờ ngồi thiền làm việc ấy, đó là chặng số một.


Chặng thứ hai: (soi rõ bản chất của Ông Chủ)

Qua chặng thứ hai, tôi đặt câu hỏi: Chân tâm là gì? Như tôi đã nói “Chân tâm là Ông chủ thường biết rõ ràng, trùm khắp sáu căn, không có tướng mạo, không có sanh diệt”. Chân tâm là thường biết rõ ràng. Cái thường biết rõ ràng đó trùm khắp cả sáu căn, chớ không phải biết một chỗ. Nó không có tướng mạo, nếu có tướng mạo làm sao trùm được? Ngồi đó nhớ Ông chủ, định nghĩa “Ông chủ thường biết rõ ràng, trùm khắp sáu căn, không có tướng mạo, không có sanh diệt”.
.....


Lúc trước tôi nghĩ ba năm ra không biết dạy gì, vì tất cả đều không, dạy gì bây giờ? Thời này người ta ham tu thiền, nhưng không biết tu thế nào? Đường lối tu này không có gì nguy hiểm, vì quay lại mình mà. Mắt mình thấy, tai mình nghe, thân xúc chạm, cái gì mình cũng biết có Ông chủ, Chân tâm hiện tiền vậy thôi, không có chi nguy hiểm. Còn người ngồi kềm chế quá mới có những phản ứng nguy hiểm. Tu theo phương pháp này không kềm, nhẹ nhàng thảnh thơi, tu như không tu. Nói thế cũng nên nhắc lại, nhiều người lợi dụng “tu như không tu” rồi không tu gì hết. Nói đi, đứng, nằm, ngồi tôi cũng tu vậy, nhưng mà ai biết? Miệng nói thế nhưng trong ruột không phải vậy.

Người thật sự biết tu, ham tu, thì dù ở hoàn cảnh nào, trường hợp nào cũng có thể tu được. Tu với Tâm chân thật của mình thì lợi ích lớn, trường hợp nào cũng có kết quả tốt. Còn nếu thiếu chân thật, gian lận thì không tốt. Tôi nhắc cho tất cả nhớ để dè dặt cẩn thận.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thật nuốt, ruột đau