~ @ ~
Trong công cuộc khảo cứu về synchronicity , (đồng phương tương tính, hay viết tắt là DPTT ) , Carl Jung đã chú tâm vào ba lãnh vực mà ông nhận xét là hay có các sự kiện trùng hợp tương ứng lạ kỳ không thể hiểu được bằng các lý lẽ về nguyên nhân và hậu quả thông thường :
1) Khoa chiêm tinh (astrology) :
Các chiêm tinh gia của Tây phương cho rằng vị trí và sự luân chuyển của các tinh tú trong vòm trời hằng gây ra ảnh hưởng tới , chẳng những cái bản tính, mà còn luôn cả các biến cố trong cuộc sống của mọi nguời trên thế gian . Qua bao thế kỷ nay, các giả thuyết chiêm tinh tuy chưa được chứng minh một cách cụ thể rõ ràng như các khoa học phổ thông khác , nhưng nó vẫn duy trì một vị trí vững chắc trong thần trí và ý thức của người đời . Jung cũng đã từng bỏ nhiều công sức sưu tầm mọi dữ kiện của khoa chiêm tinh mà ông cho rằng có thể bổ khuyết sự hiểu biết của ta về các câu nối phi-nhân-quả (acausal connecting principle) vốn biểu lộ qua các hiện tượng DPTT . Jung đã kiểm xét và so sánh lá số tử vi (astrological horoscopes) của một số cặp vợ chồng để tìm xem cuộc hôn nhân của họ có ăn khớp với các cung tử vi trong lá số như là dự đoán bởi chiêm tinh học hay chăng . Xét theo bình diện thống kê (statistical studies) thì kết quả không có gì đáng chú ý, bởi lẽ tỉ lệ xác xuất vẫn chỉ là như ngẫu nhiên thông thường, nhưng nó cũng cho thấy có những sự trùng hợp khó giải thích được một cách thỏa đáng .
2) Cõi mơ (dream world) :
Các giấc mơ ta thấy trong khi ngủ đôi khi có những sự trùng hợp ăn khớp với các biến cố liền xảy ra trong đời sống . Điều này thường gây ra không ít băn khoăn trong tâm trí . Trong vai trò chuyên nghiệp của một bác sĩ tâm thần , Carl Jung đã nghiệm thấy không ít những trường hợp như vậy qua các bệnh nhân của ông . Cõi mơ, theo như Jung nghĩ , vốn là thế giới của thần hồn (psyche), nơi mà tiềm thức của ta hoạt động một cách tự nhiên thoải mái hơn, không còn bị cản trở bởi các giới hạn của năm giác quan . Giấc mơ là cái cơ hội để cho trí thức của ta câu nối chặt lại với cái phần tiềm thức rất quan trọng của mình . Tiềm thức vốn là cái động cơ chính thúc đẩy và lèo lái hướng đi của cuộc sống . Những điều ta tiếp thụ và suy diễn được từ trong mơ sẽ hỗ trợ không ít cho các sinh hoạt trong cõi tỉnh . Carl Jung đã đóng góp rất nhiều vào cái tiến trình hiểu biết về cõi mơ . Ông đã đưa ra các mô tả cơ bản về "tiềm biểu tượng" (archetypes) để giúp ta có thể suy diễn thêm mạch lạc về các sự kiện ghi nhận được từ trong mơ . Nói một cách nôm na, các "tiềm biểu tượng" này là những khuôn mẫu nhận thức (pattern of recognition) căn bản vốn được rập sẵn trong văn hoá, trong lịch sử tiến trình của nhân loại . Tâm thức của mọi cá nhân đều thâu lượm chung các khuôn mẫu này để rồi xử dụng nó kết tạo thêu dệt riêng ra một bức họa, một vở kịch mà ta thường gọi là "đời sống" .
3) Kinh Dịch (I Ching or Yi-King):
Đây là một cổ thư kỳ bí, đã có từ ngàn năm . Nó gói ghém hầu hết những khái niệm căn bản cấu kết cho nền văn minh Trung Quốc . Carl Jung là một trong số các học giả Tây phương đầu tiên đã bỏ công học hỏi xem xét Kinh Dịch . Ông đã lưu ý đặc biệt về cách người Trung Hoa xử dụng và tra cứu Kinh Dịch , bởi lẽ theo ông nhận xét thì đây cũng là một thí dụ điển hình của hiện tuợng DPTT . Tại Trung Quốc, từ vua chúa, quan quân cho tới dân gian, hầu hết đều chấp nhận rằng có một sự liên quan tương ứng dĩ nhiên giữa các quẻ Dịch mà họ gieo ra , với các diễn tiến trong cuộc sống đương thời . (Nếu diễn tả theo ngôn ngữ vi tính hiện đại, ta có thể ví quẻ Dịch như cái 128-bit MD5 checksum , cái con số tóm tắt mà ta dùng để kiểm chứng cái hồ sơ vừa mới tải xuống từ trên mạng) . Một khi ta biết cách mở bung được các ý tưởng hàm chứa trong dạng quẻ Dịch, thì ta cũng sẽ có thể thấu suốt hết sự tình của các biến cố đương thời quanh ta . Thay vì cứ phải chờ đợi cầu cạnh vào vận may để thấy được những trùng hợp hiếm hoi giữa nội tâm và ngoại vật , các cao nhân ở Trung Quốc dường như đã biết được nghi thức kết tạo ra sự câu nối giữa quẻ Dịch và thế sự tình trường mỗi khi cần thiết . Jung cũng nhận ra điều đó, nên mới muốn tìm hiểu xem cái nghi thức đó là gì .
Để tạm tóm lại , Carl Jung đã suy luận rằng cái thực tại vật chất mà ta thường nhận thấy chỉ là một khía cạnh của một cái thực trạng (reality) siêu vời hơn nữa vốn là nền tảng và bao gồm hết cả thể chất (matter) lẫn thần hồn (psyche). Jung gọi cái thực trạng này là "Unus Mundus" , cái cõi mà mọi phần tử (thể chất cũng như thần hồn) đều nhập lại thành một (nhất thể), câu nối và dính liền với nhau như là một . Cái tâm thức bình thường của ta luôn bị giới hạn bởi năm giác quan nên không sao nắm được trọn vẹn hết cái thực thể bao quát này. Hoạ hoằn lắm, trong vài cơ hội đặc biệt, ta mới nghiệm thấy được những trùng hợp lạ kỳ giữa nội tâm của mình và ngoại vật qua các hiện tượng mà Jung gọi là DPTT .
(Nói một cách đơn giản hơn, ta cũng tựa như anh thầy bói mù từ lúc sơ sinh, chưa từng biết voi là gì. Anh ta chỉ sờ soạng ôm được cái chân voi , mà rồi trong đầu cứ ngẩn ngơ không hiểu tại sao đôi khi , hễ cứ rờ vào "cái cây cột lớn" này thì sẽ bị ngay một cái "đuôi roi" từ đâu bung tới quất cho đau điếng ! )
~ ! ~
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét